Yasunari Kawabata là nhà văn người Nhật Bản đầu tiên đoạt Giải Thưởng Nobel về Văn Chương vào năm 1968, đúng 100 năm sau khi nền Văn Học Nhật Bản mở cửa với Phong Trào Minh Trị Phục Hưng. Các tác phẩm của Yasunari Kawabata nói về những người đương thời nhưng Ủy Ban Phát Giải Nobel vinh danh nhà văn Kawabata bởi vì các tác phẩm của ông đã bộc lộ được các truyền thống Nhật Bản.
1. Giai đoạn ban đầu
Các tác phẩm của Kawabata chứa đầy các tình cảm cô đơn, các nỗi ám ảnh vì cõi chết, thứ tư tưởng bi quan này có lẽ bắt nguồn từ các kinh nghiệm bi thương của tác giả lúc còn trẻ. Người cha của Kawabata qua đời khi ông mới hai tuổi và năm sau, bà mẹ thân yêu cũng không còn. Kawabata được giao cho ông bà nội nuôi dưỡng nhưng bà nội cũng khuất bóng vào năm 1906, lúc Kawabata mới 7 tuổi. Từ nay hai ông cháu sống cô đơn trên thế gian, giữa những người họ hàng ra đi dần dần.
Yasunari Kawabata chào đời vào ngày 11 tháng 6 năm 1899, trong một ngôi làng gần thành phố Osaka, tốt nghiệp trường Đại Học Hoàng Gia Tokyo vào năm 1924. Tác phẩm đầu tay của Kawabata là cuốn Nhật Ký của người 16 tuổi (Juurokusai no Nikki), có lẽ viết vào năm 1914 và được xuất bản 11 năm sau đó. Cuốn nhật ký này chịu ảnh hưởng của nền văn chương cổ, bên trong hàm chứa hy vọng của một đứa trẻ trông mong ông nội khỏi bệnh.
Sau cuốn nhật ký là cuốn truyện có tên là Đại Hội Yasukuni (Shookonsai Ikkei, 1921), mô tả một nữ diễn viên cưỡi ngựa của một rạp xiếc với các người bạn của cô ta, trong đó có các đối thoại ngắn, mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ, khiến cho người đọc khó phân biệt giữa giấc mơ và hiện thực. Tác phẩm này dùng một thể văn mới của trường phái Tân Duy Cảm (new sensationalist) với tính khách quan của tác giả, không can dự vào nhân vật, và tác phẩm đã khiến cho các nhà văn khác phải chú ý trong đó có ông Kikuchi Kan. Kawabata cho ông Kikuchi biết ý muốn kết hôn với một người con gái 15 tuổi. Thay vì cản trở cuộc hôn nhân quá sớm này, ông Kikuchi lại hứa cho đôi uyên ương mượn căn nhà với món tiền tặng hàng tháng là 50 yen. Ông Kikuchi Kan còn giới thiệu Kawabata với nhà văn Yokomitsu Riichi và tình bạn giữa hai người này được duy trì trong nhiều thập niên.
Cuốn tiểu thuyết quan trọng đầu tiên của Yasunari Kawabata là tác phẩm Vũ Nữ Izu (Izu no Odoriko = The Izu Dancer, 1926) đã khiến cho nhiều độc giả phải chú ý. Sau khi bị người tình nhỏ tuổi bỏ rơi, Kawabata đã tới hòn đảo Izu vào mùa thu năm 1918, tham gia vào đoàn hát lưu động bởi vì nhà văn có cảm tình với một vũ nữ trẻ trong đoàn và những ca sĩ dạo này đã bị dân chúng địa phương coi kinh, chẳng khác nào các kẻ ăn xin. Tại nhiều làng mạc, người dân đã treo các bảng cảnh cáo các kẻ ăn xin và các ca sĩ dạo hãy tránh khỏi nơi đây.
Vũ Nữ Izu là câu chuyện của một sinh viên cô đơn, đi tìm an ủi và tình bạn trong một đoàn hát và tác phẩm chứa nhiều phân đoạn không có khúc đầu, khúc giữa hay khúc đuôi. Các chuyển tiếp đột ngột này mô tả các hình ảnh tương phản giữa cái đẹp và cái xấu, và tác giả muốn để cho độc giả nhận ra phẩm chất của từng phân đoạn. Văn phong của Yasunari Kawabata trong tác phẩm này tương tự như của các nhà văn trong nhóm Ấn Tượng người Pháp sau Thế Chiến Thứ Nhất.
Sau cuộc động đất tai hại vào năm 1923 xẩy ra tại thành phố Tokyo, Yasunari Kawabata đã đi lang thang trong nhiều khu phố của nơi này, vào ban ngày cũng như ban đêm, tay cầm cuốn sổ ghi, quan sát những cảnh tàn phá vì thiên tai, các cảnh đau khổ của các nạn nhân. Những xúc động được nhà văn mô tả trong cuốn Băng Đảng Asakusa (Asakusa Kurenai Dan = The Asakusa Crimson Gang, 1929/30). Tác phẩm này được đăng trên Nhật Báo Asahi của Tokyo, mang lại danh tiếng cho nhà văn bởi vì qua tác phẩm, tác giả không muốn mô tả khu phố Asakusa theo chiều hướng xã hội, mà muốn chia xẻ với độc giả các cảm xúc theo cách của các nhà văn Tân Duy Cảm (New Sensationalists).
Tác phẩm Cây Kim, cái Ly và con Nhái (Hari to Garasu to Kiri) của Yasunari Kawabata xuất bản năm 1930 bị coi là chịu ảnh hưởng của James Joyce khi tác phẩm Ulysses được Ito Sei và các người cộng tác dịch ra tiếng Nhật vào năm 1930. Tác phẩm này của Kawabata đã mô tả các nội tâm của nhân vật Asako, người vợ đã làm nhiều điều sai trái vì ghen tuông khi tìm thấy một tấm hình đàn bà khác trong tủ hồ sơ của chồng, và tác giả đã mô tả sự liên hệ yêu-ghét trong tâm hồn của Asako theo cách phân tích của Freud.
2. Giai đoạn hai với Tác phẩm Xứ Tuyết
Trong nhiều năm, Yasunari Kawabata đã từng theo đuổi một cuộc đời hoàn toàn riêng tư nhưng từ năm 1930, ông đã tham gia tích cực vào thế giới văn chương. Kawabata ở trong nhóm chủ trương của nhiều tạp chí, kể cả tạp chí Thế Giới Văn Học (Bungakkai) rồi tới năm 1934, được mời vào Nhóm Hội Thảo Văn Học (Bungei Kondan Kai). Vào thời kỳ này, Kawabata và Yokomitsu là hai nhà văn trẻ, tuổi trên 30, và Nhóm Hội Thảo kể trên có ý định làm thăng tiến một phong trào Phục Hưng trong giới nhà văn Nhật Bản.
Năm 1937, Kawabata với tác phẩm Xứ Tuyết (Yukiguni = Snow Country) đã cùng nhà văn Ozaki Shiroo, tác giả của cuốn truyện Trò Đời (Theater of Human Life) chia xẻ phần thưởng thứ ba của Nhóm Hội Thảo Văn Học. Mặc dù ý định kiểm soát giới cầm bút của chính quyền Nhật Bản thời đó, Kawabata vẫn nhận phần thưởng, dùng số tiền thưởng mua một căn nhà tại Karuizawa và đồng thời vẫn phổ biến các bài báo đề cập tới nhu cầu tự do ngôn luận, tự do phát biểu, rồi vào năm 1935, Kawabata phản đối Nhóm Hội Thảo Văn Học đã không trao giải thưởng cho nhà văn Shimaki Kensaku vì tác phẩm bị nghi ngờ có khuynh hướng Mác Xít.
Các bài viết của Yasunari Kawabata thường không mang tính quốc gia, không liên quan tới giới quân sự, có lẽ do nhà văn không quan tâm đến các quan điểm chính trị hay xã hội. Các tác phẩm của Kawabata thường hàm chứa tính gợi dục (sensual), điều này hoàn toàn đúng với hai tác phẩm đặc sắc nhất của tác giả, đó là hai cuốn tiểu thuyết Xứ Tuyết và Ngàn Cánh Hạc (A Thousand Cranes).
Vẻ đẹp hồi tưởng (evocative beauty) với câu mở đầu Con tầu ra khỏi đường hầm dài, đi vào xứ tuyết, tác phẩm Xứ Tuyết đã khiến cho Yasunari Kawabata đoạt Giải Thưởng Nobel về Văn Chương của năm 1968 bởi vì tác phẩm đã nói về một câu chuyện thần tiên hư vô (nihilistic fairy tale), tại một nơi ở bên ngoài các giới hạn của đời sống thường ngày. Nhà văn Kawabata đã bỏ ra một thời gian dài để xây dựng tác phẩm, từ năm 1935 tới năm 1937 và cả chục năm sau đó. Nhân vật chính trong chuyện là Shimamura đã có gia đình và cuộc sống tại thành thị nhưng chàng thanh niên này rất quan tâm tới bộ môn vũ Ballet của phương Tây và bởi vì sống tại Nhật Bản, chàng chỉ được đọc những điều mô tả nghệ thuật của phương Tây mà không nhìn thấy chúng tận mắt. Shimamura thỉnh thoảng đã đi lên miền bắc xa xôi, tại nơi này thời tiết rất xấu nhưng là nơi còn duy trì các tập quán và phong tục cổ, và chàng đã gặp Komako, một nữ nghệ nhân geisha trẻ, rất đẹp. Nhưng cuộc đời của Komako thì phức tạp và khó hiểu hơn là thứ Shimamura hằng tin tưởng.
Qua các ẩn dụ trong tác phẩm, Yasunari Kawabata đã làm cho độc giả cảm nhận các sự thật sâu xa trong hoàn cảnh của con người, một thứ cố gắng vô ích (wasted effort) và khi Shimamura thấu hiểu được những điều ẩn dấu, chàng vĩnh viễn rời bỏ Xứ Tuyết. Ngôn ngữ đàm thoại của tác phẩm này vẫn mang tính gợi dục và bên trong tác phẩm là một thứ triết lý thẩm mỹ phức tạp (a complex aesthetic philosophy) với các hình ảnh mang nhiều màu sắc, nhiều tính nhạy bén về tâm lý và các hình ảnh mô tả Komako đã khiến cho nhà văn Kawabata nổi danh là bậc thầy về tâm lý phụ nữ. Xứ Tuyết là cuốn tiểu thuyết đề cập tới sự duyên dáng, hấp dẫn không những của người nghệ nữ geisha mà của giới phụ nữ Nhật Bản, và mặc dù những nét vẻ mới lạ của văn chương, tác phẩm này vẫn gần với các tác phẩm văn học của Thời Kỳ Heian.
Sau cuộc chiến tranh xung đột với Trung Hoa xẩy ra vào năm 1937, chính phủ Nhật Bản đã kiểm duyệt báo chí và làm áp lực lên các nhà văn. Trước hoàn cảnh này, Kawabata vẫn giữ sự bình thản, tìm cách du lịch nhiều nơi trong xứ và đọc các tác phẩm cổ điển. Nhà văn này đã viết một số tập truyện trẻ em, gửi đăng trên vài tạp chí phụ nữ. Vào mùa xuân năm 1941, Yasunari Kawabata qua Mãn Châu theo lời mời của một nhật báo địa phương rồi trở về Nhật Bản qua ngả thành phố Bắc Kinh. Ông cũng trở lại Mãn Châu vào mùa thu, thăm đạo quân Quan Đông cùng với một số nhà văn khác, lưu ngụ tại Thẩm Dương một tháng rồi trở về Nhật Bản trước khi cuộc Chiến Tranh Thái Bình Dương bùng nổ. Trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai, Kawabata viết ra các hồi tưởng của thời thơ ấu và tác phẩm chưa hoàn thành với tên là Nơi Sinh (Koen, 1943/45). Một tiểu thuyết dở dang khác là Tookaidoo (Đông Hải Đạo) qua đó tác giả nhấn mạnh đến sự quan trọng của giá trị thẩm mỹ theo truyền thống đối với mọi bộ môn nghệ thuật và tác giả đã tìm thấy các điều tương đồng giữa thời kỳ chiến tranh hiện tại và thời đại Muromachi.
Vào năm 1940, Yasunari Kawabata tham gia vào Hội Các Nhà Văn Nhật (Nippon Bungakusha Kai) cùng với các nhà văn danh tiếng như Itoo Sei, Kishida Kunio, Kobayashi Hideo, Hino Ashihei, Shimaki Kensaku và Yokomitsu Riichi. Tới tháng 5 năm 1942, Kawabata là nhân viên của Hội Văn Chương Ái Quốc Nhật Bản (Nippon Bungaku Hookoku Kai = Japanese Literature Patriotic Association) rồi trong các năm sau, nhà văn này đã chứng kiến sự qua đời của nhiều người bạn thân: Kataoka Teppei vào năm 1944, Takeda Rintaroo vào năm 1946 và Yokomitsu Riichi vào năm 1947. Các bài điếu văn mà Kawabata viết ra, dành cho các nhà văn kể trên đã khiến cho ông trở nên một bậc thầy về loại văn này. Trước cảnh chiến tranh tàn phá, cảnh người dân điêu linh, Kawabata tin rằng mình phải duy trì các vẻ đẹp Nhật Bản, giống như ẩn dụ trong lời thơ của thi sĩ danh tiếng Tu Fu: Quốc Gia đã bị thất bại, nhưng Núi Sông vẫn còn.
Năm 1948, Yasunari Kawabata trở nên Chủ Tịch thứ tư của Tổ Chức Văn Bút Nhật Bản (the Japanese P.E.N. Club), kế tiếp Shimazaki Tooson, Masamune Hakuchoo và Shiga Naoya. Trong các năm sau chiến tranh này, ông có dịp tham dự một buổi xử án các phạm nhân chiến tranh tại thành phố Tokyo, thăm viếng thành phố Hiroshima vào tháng 11 năm 1949 rồi trước các hậu quả của chiến tranh, nhà văn này không mô tả các hoàn cảnh của bom rơi, đạn nổ, người chết mà chỉ muốn nói tới sự việc làm sao duy trì được các truyền thống Nhật Bản, nhất là nền Nghệ Thuật của Thế Kỷ 18. Trong kỳ Đại Hội Văn Bút Quốc Tế tổ chức tại Tokyo vào năm 1957, Yasunari Kawabata là Chủ Tịch của Đại Hội, và đây là cơ hội mà các nhà văn trên khắp thế giới công nhận nước Nhật Bản Mới với nền Văn Học Mới. Dành cho mục tiêu này, ông Kawabata đã đi nhiều nước, gặp các nhà văn danh tiếng như T.S. Eliot, Francois Mauriac… và sau Đại Hội kể trên, Yasunari Kawabata trở thành nhà văn số một của nước Nhật Bản, được nhiều người trên khắp thế giới biết tới danh tiếng.
3. Giai đoạn ba với tác phẩm “Ngàn Cánh Hạc”
Vào năm 1949, một tác phẩm danh tiếng của Yasunari Kawabata xuất hiện, đó là cuốn tiểu thuyết Ngàn Cánh Hạc (Sembazuru = A Thousand Cranes) rồi năm sau là một loạt các bài viết trên nhật báo Asahi của cuốn truyện Vũ Nữ (Maihime = Dancing Girl), sau đó nhà văn Kawabata hoàn thành một tác phẩm khác vào năm 1952: cuốn Âm Thanh của Miền Núi (Yama no Oto = The Sound of the Mountain).
Nhân vật chính trong tác phẩm Ngàn Cánh Hạc là Mitani Kikuji, đã hành động giống như Shimamura trong cuốn tiểu thuyết Xứ Tuyết. Nhờ vai trò của Mitani, các người đàn bà trong cuộc đời của ông ta: bà Ota, con gái của bà này là Fumiko, cùng các người phụ nữ khác như cô Kurimoto và cô Inamura, từng người một đã bộc lộ ra các cá tính. Chủ đích của nhà văn là ca ngợi vẻ đẹp của Trà Đạo, của các nghi thức uống trà và tác giả tiếc nuối lễ uống trà đã bị biến chất tới trình độ tầm thường vì tính thương mại hóa. Trong lễ uống trà, mỗi đồ vật đều mang các vẻ đặc biệt và trên hết là vẻ đẹp thuần chất của người con gái quấn chiếc khăn quàng có in hình một Ngàn Cánh Hạc. Cô Inamura chỉ xuất hiện ngắn hạn trong hai cảnh trí và nói rất ít nhưng đã là hiện thân của vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản. Cũng trong tác phẩm Ngàn Cánh Hạc, loại đồ sứ dùng trong lễ uống trà và người nữ mời trà, cả hai đều đẹp không những khi nhìn ngắm mà cả khi tiếp xúc bằng tay và người đàn bà giống như món đồ sứ và món đồ sứ giống như người đàn bà, và có khi những ngón tay này còn lưu trữ một trí nhớ sâu xa về một người đàn bà mà tôi sắp gặp.
Trong khi hai tác phẩm Vũ Nữ Izu và Xứ Tuyết biểu hiện thời trung niên của tác giả. Tác phẩm Âm Thanh của Miền Núi tượng trưng cho tuổi cao niên của nhà văn Kawabata. Khi viết ra tác phẩm này, nhà văn Kawabata chưa tới thời kỳ già nua nhưng chiến tranh đã làm cho tác giả già đi trước tuổi, giống như nhân vật Shingo trong tác phẩm. Đây là cuốn tiểu thuyết đề cập tới cõi chết và các linh cảm về cõi chết bởi vì trong thời chiến, cảnh chết chóc đã hiện ra tại mọi nơi và tác gỉa đã viết không một ngày nào mà tôi không nghĩ tới cõi chết. Đối với nhân vật Shingo, âm thanh của miền núi là tiếng vang báo hiệu các người thân của ông ta dần dần khuất bóng khỏi thế gian, ông ta nhìn thấy tuổi già tiến tới từ từ, nhận ra các nét vẻ nơi bà vợ báo trước cõi chết và ông già Shingo sẽ không bao giờ leo Núi Phú Sĩ nữa, dù cho trước kia việc leo núi được thực hiện dễ dàng.
Tác phẩm Âm Thanh của Miền Núi đề cập ngoài cõi chết ra, còn có hoàn cảnh chào đời. Người con trai của ông Shingo tên là Shuuichi có một người tình đã mang thai. Vợ của ông Shuuichi muốn người tình đó phá thai nhưng cô gái này lại muốn có một đứa con dù rằng hai người đã chia ly và tác giả được biết có một loại hạt sen dù để qua một ngàn năm, vẫn còn trồng được và nở được ra hoa. Cách mô tả nhậy cảm đặc biệt các nhân vật trong tác phẩm Âm Thanh của Miền Núi khiến cho các nhà phê bình coi đây là sáng tác bậc nhất của Yasunari Kawabata. Yamamoto Kenkichi đã viết rằng Âm Thanh của Miền Núi không chỉ là một tác phẩm của Kawabata mà còn là tác phẩm đứng đầu của nền Văn Chương Nhật Bản Hậu Chiến. Tác phẩm đã phối hợp được các gợi cảm thơ mộng, trữ tình trong thể văn cùng với cốt truyện hấp dẫn, éo le, mô tả một thế giới nhỏ, không thể quên được, bên trong thế giới lớn hơn là nước Nhật Bản hậu chiến.
Vào năm 1954, Yasunari Kawabata cho phổ biến dần dần trên nhật báo cuốn tiểu thuyết Cái Hồ (Mizuumi = The Lake). Do đã từng đọc nhiều tác phẩm của Sigmund Freud, Yasunari Kawabata biết rằng Cái Hồ là hình ảnh liên hệ tới tình mẹ và nhân vật chính trong tác phẩm là Gimpei thường nghĩ tới Cái Hồ bởi vì cha của chàng đã bị giết, xác ném xuống hồ và chính chàng cũng đã từng ném các con chuột chết xuống đó. Trong tác phẩm Cái Hồ, nhân vật Gimpei là một hình ảnh nam hoạt động hơn, tác phẩm này cũng chứa nhiều bạo lực hơn các cuốn tiểu thuyết khác và tác giả Yasunari Kawabata thường xuyên liên hệ hiện tại với quá khứ và các giấc mơ.
Năm 1955, Yasunari Kawabata hoàn thành một loạt bài viết dài nhất đăng trên nhật báo, với tên là Người Dân Tokyo (Tookyoo no Hito = Tokyo People) rồi năm sau là cuốn tiểu thuyết Câu Chuyện của một Thị Xã có Giòng Sông (Kawa no aru Shitamachi no Hanashi = Story of a Town with a River) đồng thời cuốn truyện Sự Kiện là Phụ Nữ (Onna de aru Koto = The Fact of Being a Woman) xuất hiện dần dần trên Nhật Báo Asahi.
Một tác phẩm quan trọng khác của Yasunari Kawabata là cuốn Căn Nhà của các Người Đẹp đang ngủ (Nemureru Bijo = The House of the Sleeping Beauty). Đây là một cuốn tiểu thuyết ngắn (novella), lúc mới xuất hiện bị kết án là suy đồi đạo đức, kể về câu chuyện của một người đàn ông cao tuổi tên là Eguchi, đã thăm viếng một căn nhà bí mật, nơi hò hẹn lén lút của các người cao niên phần lớn không còn khả năng tình dục. Và cuốn truyện kể về năm đêm trường Eguchi đã nằm bên các người con gái lặng câm nhưng trần truồng, say ma túy, và nhân vật trong truyện này đã tôn trọng trinh tiết của một thiếu nữ, đã dừng lại tại một thời điểm. Thật là khó khi đánh giá các người con gái này bởi vì người đời thường có một ý niệm về một người qua quần áo, nữ trang, lời nói, qua các đặc điểm khác như tính tình và quá trình cuộc đời. Tại căn nhà này, Eguchi chỉ phân biệt các người Đẹp đang ngủ bằng các chi tiết nằm trong trí nhớ mà các nàng đã tạo ra cho Eguchi.
Trong thập niên 1960, Yasunari Kawabata tiếp tục viết. Năm 1961 là năm khởi đầu một loạt bài đăng hai năm trên một tạp chí phụ nữ với nhan đề là Vẻ Đẹp và Vẻ Buồn (Utkutsushisa to Kanashimi to = Beauty and Sadness). Một tác phẩm khác của Kawabata là cuốn tiểu thuyết Cố Đô (Koto = The Old Capital) đăng trên nhật báo Asahi và được Giải Thưởng Văn Hóa (Bunka Kunshoo), một phần thưởng cao quý nhất nước đồng thời tác phẩm Căn Nhà của các Người Đẹp đang ngủ khi xuất bản thành sách, cũng đoạt Giải Thưởng Văn Hóa Mainichi (The Mainichi Cultural Prize).
Cố Đô là một trong ba tác phẩm của Yasunari Kawabata được Ủy Ban Giải Thưởng Nobel dẫn chứng khi tặng giải, có cốt truyện phức tạp liên quan tới một cặp chị em song sinh, đã bị chia cách từ lúc mới chào đời nhưng các yếu tố khiến cho các nhân viên cứu xét Giải Thưởng Nobel phải quan tâm, là do tác phẩm đã nói lên các vẻ đẹp của Thành Phố Kyoto và các truyền thống cổ, với các phụ nữ Kyoto còn giữ các vẻ duyên dáng, không bị nền văn hóa phương Tây làm biến chất. Cùng với phần lớn du khách, Kawabata ước muốn rằng lối sống cổ truyền Nhật Bản vẫn được duy trì.
Một cuốn tiểu thuyết ngắn của Yasunari Kawabata viết ra vào các năm 1960 – 64 là tác phẩm Một Cánh Tay (Kataude = One Arm), với câu nói của người con gái Em để lại qua đêm cho anh một cánh tay và Nàng lấy cánh tay phải ra khỏi vai rồi bằng tay trái, đặt cánh tay đó lên đùi của tôi. Tác giả đã ngủ với cánh tay đó, đã thay thế nó bằng cánh tay của chính mình, đã ôm cánh tay nàng và hôn… , và cánh tay đó có thể nói ra được, biểu lộ lúc yêu và lúc ghét.. .
Kỹ thuật dùng trong cuốn tiểu thuyết này thuộc loại Siêu Thực (Surrealism), một cách thí nghiệm của Yasunari Kawabata để trở về giai đoạn đầu. Nhà phê bình Sasaki Kiichi đã so sánh cuốn truyện Một Cánh Tay với các bức họa của Marc Chagall, nhà danh họa chuyên vẽ các giấc mơ. Hai phương tiện quen thuộc trong các văn phẩm của Yasunari Kawabata là các liên hệ ngẫu nhiên (random associations) và các giấc mơ (dreams), không những đã làm cho tác phẩm có thêm chiều sâu thời gian mà còn làm tăng mức độ phức tạp của cấu trúc cuốn truyện, khiến cho các điều quan sát trở thành hiện thực hơn một cách bóng bẩy.
Năm 1964, Yasunari Kawabata bắt đầu viết tác phẩm Cây Bồ Công Anh (Tampopo = Dandelion) nhưng tới năm 1968 cuốn tiểu thuyết này vẫn chưa hoàn thành. Vào tháng 10 năm 1968, Kawabata được báo tin về Giải Thưởng Văn Chương Nobel. Nhà văn đã đi Stockholm lãnh giải và trong dịp này, đã trình bày một bài diễn văn ca ngợi nền Văn Hóa Nhật Bản. Từ nay, Văn Hào Yasunari Kawabata là nhà văn đoạt vinh dự cao cả nhất của nước Nhật Bản và được bầu vào nhiều Viện Văn Chương của nhiều quốc gia, lãnh văn bằng Tiến Sĩ Danh Dự của trường Đại Học Hawaii. Trong số các chuyến đi Hoa Kỳ, Đài Loan và Đại Hàn, Văn Hào Yasunari Kawabata được coi như một vị Đại Sứ Văn Hóa của nước Nhật Bản.
Vào tháng 11 năm 1970, cuộc tự sát của nhà văn Mishima Yukio, một người bạn thân, rồi sự qua đời của nhà văn Shiga Naoya vào cuối năm 1971, đã gây nhiều đau đớn cho Văn Hào Kawabata. Ngày 16 tháng 4 năm 1972, Yasunari Kawabata rời nhà, đi tới một căn nhà nhìn ra bờ biển Hayama. Đây là nơi ông thường ngồi viết tay các bản thảo. Đêm hôm đó, Văn Hào Kawabata đã tự sát bằng cách hít khí đốt mà không cho biết lý do. Người ta đã không tìm thấy một bức thư từ biệt nào.
Yasunari Kawabata là nhà văn đi khám phá các loại vẻ đẹp: nơi phong cảnh của đất nước Nhật Bản, nơi người phụ nữ Nhật và cùng với vẻ đẹp của các Nghệ Thuật trên xứ Phù Tang. Các nhà phê bình đã phân biệt các tác phẩm của Yasunari Kawabata thuộc loại trung (chuukan) hay loại thuần văn chương (jumbugaku = pure literature). Thuộc về tiểu thuyết loại trung là các sáng tác như Người Dân Tokyo, Câu Chuyện của một Thị Xã có Giòng Sông, Sự Kiện là Phụ Nữ. Dù cho đã viết ra các cuốn truyện hạng trung, nhưng Yasunari Kawabata không bao giờ hạ tác phẩm xuống hạng tầm thường hay dâm thư (pornography) mặc dù loại sau này mang lại nhiều độc giả, nhiều lợi nhuận.
Qua các tác phẩm, Văn Hào Yasunari Kawabata cố gắng mô tả nỗi Cô Đơn và Vẻ Đẹp của Cõi Chết, và tác giả đi tìm sự hòa hợp giữa Con Người, Thiên Nhiên và Khoảng Trống Rỗng.
Phạm Văn Tuấn
© www.Vietthuc.org
One Comment
Chu Việt
Tác giả Phạm Văn Tuấn đã phân tích rất sâu sắc và gần toàn vẹn cuộc đời và văn nghiệp của văn hào khôi nguyên Nobel 1968, Yasunari Kawabata. Điều này chứng tỏ không những ông đã có công phu sưu tầm mà còn hiểu thấu đáo những tác phẩm danh tiếng của nhà văn độc dáo này qua những giai đoạn định hình văn nghiệp của ông. Chính vì sự mến phục văn tài, cảm thức thẳm mỹ và triết lý nhân sinh của ông mà bản thân tôi đã dịch cuốn Xứ Tuyết (Yukiguni) từ hai văn bản Pháp và Anh. Riêng tôi thấy bản Pháp văn của Armel Guerne có văn phong dịch mềm mại và tế nhị hơn bản tiếng Anh hơi khô cứng của Edward G. Steidensticker. Cuốn Xứ Tuyết do Trình Bầy xuất bản năm 1969, đến nay đã tuyệt bản. May mắn, tôi còn giữ được một ấn bản duy nhất làm của gia bảo.