Căn Cứ Cam Ranh Sẽ Quyết Định Số Phận Biển Đông
Sự kiện ngày càng có nhiều chiến hạm quốc tế trở lại thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam trong thời gian gần đây đã thu hút sự chú ý của giới quan sát. Trong một bài phân tích mới công bố hôm 08/05/2016, chuyên san Mỹ The National Interest đã không ngần ngại cho rằng hải cảng này của Việt Nam có giá trị quyết định cho việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Việt Nam hiện đang thận trọng trong việc ưu tiên mở cửa cảng cho một cường quốc cụ thể, nhưng vấn đề có thể khác đi nếu tình hình Biển Đông xấu đi vì Trung Quốc làm quá !
Theo tác giả bài báo Yevgen Sautin, từng nghiên cứu tại Đại Học Quốc Gia Đài Loan và trung tâm nghiên cứu Mỹ Carnegie Endowment for International Peace, vào lúc Trung Quốc đang ngày càng tăng cường hoạt động lấn chiếm Biển Đông, vấn đề cần biết là nước nào trong khu vực sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh.
Câu trả lời của chuyên gia này rất rõ : « Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có nhiều năng lực và quyết tâm nhất để thách thức các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông ».
Đối với chuyên gia này, với một lực lượng đã từng nhiều lần xung trận chống Trung Quốc và đang tìm cách phối hợp với các nước khác để cùng hoạt động gần các đảo tranh chấp, Hải Quân Việt Nam cũng đã quen với những hành động táo bạo.
Giới lãnh đạo Việt Nam hiện đang cho thấy là họ ít có khả năng nhất trong việc nhượng bộ Trung Quốc để thương thuyết tay đôi và từ bỏ nỗ lực tìm giải pháp đa phương cho cuộc tranh chấp.
Điều quan trọng hơn cả, theo tác giả bài phân tích là Việt Nam có trong tay một chủ bài hay là một vũ khí lợi hại là căn cứ Hải Quân Cam Ranh, được coi là một trong những cảng nước sâu tốt nhất trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Giá trị chiến lược của cảng này lại được tăng cường nhờ một sân bay lân cận có khả năng tiếp nhận các loại vận tải cơ hạng nặng và oanh tạc cơ chiến lược.
Đối với nhà nghiên cứu Sautin, nếu Hải Quân một cường quốc lớn được quyền thường xuyên sử dụng Cam Ranh, lực lượng của bất kỳ nước nào khác sẽ khó có thể độc quyền tung hoành trên Biển Đông, ngay cả khi nước đó nắm được quyền kiểm soát hầu hết các đảo đang tranh chấp.
Vấn đề được nêu lên là trong bối cảnh hiện nay, Hải Quân nước nào sẽ được Việt Nam ưu tiên mở cửa cảng Cam Ranh ? Theo Sautin, hiện có hai ứng viên hàng đầu là Mỹ và Nga, nhưng Mỹ được cho là nặng ký hơn trong bối cảnh Washington được Hà Nội đánh giá là một đối tác quốc phòng quan trọng nhất, có nhiều uy thế nhất để giúp Việt Nam kháng lại đà bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Lợi ích chiến lược về việc mời Mỹ vào Cam Ranh, theo ông Sautin, là sự hiện diện của Hải Quân Hoa Kỳ sẽ hóa giải các lợi thế quân sự mà Trung Quốc có được nhờ các cơ sở mà Bắc Kinh vừa xây dựng và củng cố trên Biển Đông. Thế nhưng, nếu Việt Nam làm như vậy thì sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ với Trung Quốc, và Bắc Kinh hoàn toàn có thể dùng kinh tế để trừng phạt Hà Nội.
Theo Sautin, quyết tâm của Mỹ can dự vào Biển Đông chưa được rõ rệt lắm, nên vẫn còn khiến Hà Nội ngần ngại, sợ rằng cái lợi khi mở cảng Cam Ranh đón Mỹ không lớn bằng cái hại nẩy sinh.
Về phần Nga, cho dù nước này đã nhiều lần công khai ngỏ ý muốn trở lại Cam Ranh, nhưng xu hướng xích lại gần Bắc Kinh mà Mátxcơva cho thấy trong những ngày gần đây, đặc biệt là lập trường theo đuôi Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, đã khiến giới lãnh đạo Việt Nam hết sức thận trọng.
Dẫu sao thì cho đến nay, về mặt chính thức, Việt Nam vẫn khẳng định là không ưu tiên cho bất kỳ nước nào, mà sẵn sàng mở cảng Cam Ranh cho mọi đối tác quốc tế. Vấn đề, theo tác giả Sautin, lập trường này của Việt Nam hoàn toàn có thể thay đổi nếu tình hình ở Biển Đông xấu đi đáng kể.
Biển Đông: Một Cựu Đô Đốc Mỹ Muốn Nhật, Đông Nam Á Và Hoa Kỳ Hợp Sức
Nguyên tư lệnh Hải Quân Mỹ, hiện đã về hưu, vừa yêu cầu hai quân đội Mỹ và Nhật xem xét khả năng cùng hành động tại Biển Đông, nơi mà các hành vi của Trung Quốc đang làm dấy lên căng thẳng. Nhân vật này đồng thời thúc giục các nước Đông Nam Á cân nhắc khả năng hành động chung với Mỹ để đối phó một cách có hiệu quả hơn với các vấn đề hàng hải.
Trong một cuộc phỏng vấn được hãng tin Nhật Kyodo công bố hôm nay, đô đốc Jonathan Greenert, nguyên tư lệnh Hải Quân Mỹ đã nhắc đến hiệp định an ninh chung Mỹ-Nhật, ký kết năm 1960 để xác định rằng Washington và Tokyo là hai đồng minh thân thiết, và « đồng minh có quyền hoạt động ở bất cứ nơi nào họ chọn ».
Quân đội Mỹ và Nhật từng tập trận chung ở Biển Đông, và tuyên bố của ông Greenert hàm ý cho rằng hoạt động chung của Mỹ và Nhật cần phải đi xa hơn là sự tập luyện đơn thuần.
Ông Greenert nhấn mạnh : « Nói rằng chúng ta không hoạt động chung ở Biển Đông vì “Trung Quốc sẽ không thích”, đối với tôi, đó không phải là một điều hay ».
Tuy nhiên, theo đô đốc Greenert, mặt khác, Mỹ và Nhật cũng nên tránh làm Trung Quốc bất bình bằng cách cho tàu thuyền cùng đi vào vùng biển mà không thông báo trước ý định.
Hoa Kỳ nên tiếp tục các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, cho tàu tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh những nơi mà Trung Quốc đơn phương giành chủ quyền, và theo cựu tư lệnh Hải Quân Mỹ, những nước khác có thể tham gia chiến dịch của Mỹ nếu bảo đảm được sự minh bạch.
Đối với ông Greenert, với Trung Quốc, một cách tiếp cận đa phương có nhiều khả năng thành công hơn. Cùng hành động với Mỹ có thể có khối Đông Nam Á – ASEAN, hoặc là những hiệp hội, tổ chức mà Trung Quốc cũng là thành viên.
Từng là tư lệnh Hạm Đội 7 của Mỹ, hoạt động từ khu vực Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương, ông Greenert gợi ý là các hoạt động chung đầu tiên có thể là các chiến dịch cứu trợ nhân đạo và thiên tai.
Washington đã chỉ trích Bắc Kinh cho xây phi đạo, đặt thiết bị quân sự ở những vùng tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp các nước có liên quan khác như Philippines, Việt Nam. Ngoài ra, Hải Quân Mỹ cũng đã cho tàu tiến vào các vùng biển mà Trung Quốc cho là của họ.
Đối với đô đốc Greenert : « Trung Quốc hành xử theo luật lệ riêng của họ và điều đó không phù hợp với phần còn lại của thế giới ».
Trọng Nghĩa